Giá trị dinh dưỡng từ nấm ăn

/
0 Comments


Từ lâu nhân dân ta thường dùng nấm trong thực phẩm hàng ngày gồm các loại nấm truyền thống như: nấm rơm, nấm mèo, nấm đông cô, nấm hương, nấm mối, nấm tràm… Và thời gian gần đây, ở nước ta có thêm một số loại nấm được trồng, hoặc được sử dụng như: nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm kim châm, nấm ngân nhĩ, nấm hầm thủ, nấm cẩm thạch. Đây là loại thực phẩm bổ dưỡng và phù hợp với mọi lứa tuổi.

Nấm là sinh vật không thể thiếu trong đời sống, không có nấm chu trình tuần hoàn  vật chất sẽ bị mất  một mắt xích quan trọng và cả thế giới sẽ ngổn ngang những chất bã hữu cơ phân hủy. Nấm còn đem lại nguồn thực phẩm giàu đạm, đầy đủ các acid amin thiết yếu, hàm lượng chất béo ít  và là những acid béo chưa bão hòa. do đó tốt cho sức khỏe, giá trị năng lượng cao, giàu khoáng chất và các vitamin. Ngoài ra, trong nấm còn chứa nhiều hoạt chất có tính sinh học, góp phần ngăn ngừa và điều trị bệnh cho con người, vì hầu như các loài nấm ăn  đều có tác dụng phòng ngừa chống u bướu. VN bắt đầu có những căn bệnh  của xã hội công nghiệp  như stress, béo phì, xơ mỡ động mạch, huyết áp, ung thư... nếu mỗi tuần chúng ta đều ăn nấm ít nhất một lần thì cơ thể  sẽ chậm lão hóa hơn và ngăn ngừa được những bệnh nêu trên. Từ đó cho thấy, nấm còn là nguồn thực phẩm chức năng của thế kỷ 21.
Đạm thô
Phân tích trên nấm khô cho thấy, nấm có hàm lượng đạm cao, hàm lượng đạm thô ở nấm mèo là thấp nhất, chỉ 4 - 8%; ở nấm rơm khá cao, đến 43%, ở nấm mỡ hay nấm bún là 23,9 - 34,8%; ở đông cô là 13,4 - 17,5%, nấm bào ngư xa1mPleurotusostretus lá 10,5 -30,4%, bào ngư mỏng pleurotussajor-caju là 9,9 - 26,6%; Kim châm  là 17,6%, hầm thủ từ 23,8 -31,7%. Nấm có đầy đủ các acid amin thiết yếu như: isoleucin, leucin, lysine, methionin, phennylalnin, threonin, valin, tryp-tophan, histidin. Đặc biệt nấm giàu lysine và leucin, ít tryptophan và methionin. Đối với nấm rơm khi còn non (dạng nút tròn) hàm lượng protein thô lên đến 30%, giảm chỉ còn 20% và bung dù. Ngoài ra, tùy theo cơ chất  trồng nấm mà hàm lượng đạm có thay đổi. Nhìn chung, lượng đạm của nấm chỉ đứng sau thịt và sữa, cao hơn các loại ra cải, ngũ cốc như khoai tây (7,6%), bắp cải (18,4%), lúa mạch (7,3%) và lúa mì (13,2%).
Chất béo
Chất béo có trong các loại nấm chiếm từ 1 - 10% trọng lượng khô của nấm, bao gồm các acid béo tự do, monoflycerid, diglycerid và triglyceride, serol, sterol ester, phos - phor lipid và có từ 72 - 85% acid béo thiết yếu chiếm từ 54 -76% tổng lượng chất béo, ở nấm mỡ và nấm rơm là 69 -70%. ở nấm mèo là 40,39%, ở bào ngư mỏng là 62,94%; ở nấm kim châm là 27,98%.
Carbohydrat và sợi
Tổng lượng Carbohydrat và sợi:  chiếm từ 51 - 88% trong nấm tươi và khoảng 4 - 20% trên trọng lượng  nấm khô, bao gồm các đường pentose, methyl pentos, hexose, disaccharide, đường amin, đường rượu, đường acid. Trehalose là một loại "đường của nấm" hiện diện trong tất cả  các loại nấm, nhưng chỉ có ở nấm non vì nó bị thủy giải thành glucose khi nấm trưởng thành. Polysaccharid tan trong nước từ quả thể nấm luôn luôn được chú ý đặc biệt vì tác dụng chống ung thư của nó. Thành phần chính của sợi nấm ăn là chitin, một polymer của n–acetylglucosamin, cấu tạo nên vách của tế bào nấm. Sợi chiếm từ 3,7% ở nấm kim châm cho đến 11,9 - 19,8% ở các loại nấm mèo; 7,5 - 17,5% ở nấm bào ngư; 8 -14% ở nấm mỡ; 7,3 - 8% ở nấm đông cô; và 4,4 - 13,4% ở nấm rơm. 
Vitamin
Nấm có chứa một số vitamin như: thiamin (B1), riboflavin (B2), niacin (B3), acid ascorbic (vitaminC)...
Khoáng chất: Nấm ăn là nguồn cung cấp chất khoáng cần thiết cho cơ thể. nguồn này lấy từ cơ chất trồng nấm, thành phần chủ yếu là kali, kế đến là phosphor, natri, calci và magnesium, các nguyên tố khoáng này chiếm từ 56 - 70% lượng tro. Phosphor và calcium trong nấm luôn luôn cao hơn  một số loại trái cây và rau cải. Ngoài ra còn có các khoáng khác như sắt, đồng, kẽm, mangan, cobalt...
Giá trị năng lượng của nấm: Được tính trên 100 g nấm khô. Phân tích của Crisan & Sands; Bano & Rajarathnam cho kết quả sau: Nấm mỡ: 328 - 381Kcal; Nấm Hương: 387 - 392 Kcal; nấm bào ngư  xám 345 - 367 Kcal;  nấm bào ngư mỏng 300 - 337 Kcal; Bào ngư trắng 265 - 336 Kcal; nấm rơm 254 - 374 Kcal; Nấm kim châm 378 Kcal; nấm mèo 347 - 384 Kcal; nấm hầm thủ 233 kcal.
Cách chọn nấm
Nấm có thể ăn tươi hoặc khô: Đối với nấm ăn đã được phơi hay sấy khô như nấm mèo, nấm hương, nấm ngân nhĩ, nấm tram, nấm rơm. Nấm hầm thủ, mấm bào ngư, chỉ cần rửa sơ qua và loại bỏ đất cát nếu có, không ngâm nước quá lâu vì có thể thất thoát các chất dinh dưỡng.
Đối với nấm tươi chọn theo nguyên tắc nấm càng non càng ngon. Nấm rơm chỉ chọn nấm còn nụ búp tròn, hoặc hơi thuôn hình trứng, nấm còn chắc thịt, không có màu vàng héo. Vì nấm rơm rất mau nở, nếu nấm đã bung dù xòe tán, mặt dưới có nhiều bào tử màu hồng thịt, chất xơ sẽ tăng lên, đạm giảm ăn không được ngon và khó tiêu. Đối với nấm bào ngư  chỉ chọn nấm có mép mũ nấm chưa cong lên, còn dày và không bị vàng héo ở mép. Nếu nấm già mép mũ  sẽ vểnh lên. Nấm kim châm, vì được hút chân không  nên thời gian bảo quản lâu hơn  các nấm khác.
Thạc sĩ Cổ Đức Trọng




No comments:

.

.